Cách tính lương, tiền công khi làm freelancer

Khi bắt đầu công việc freelancer, hoặc nhiều khi làm fulltime nhưng có thêm job ngoài, chắc nhiều bạn sẽ tự hỏi “Cách tính lương, tiền công như thế nào để không bị hớ, cũng không khiến khách hàng chạy mất dép”. Mình sẽ chia sẻ cách làm của cá nhân mình, các bạn có thể thấy phù hợp hoặc không. Nhưng hãy cứ tham khảo nhé, mình áp dụng nó một cách linh hoạt trong 8 năm vừa qua.

Cách tính lương, tiền công khi làm freelancer

Mình mới bắt đầu làm freelancer trong 2 năm vừa qua, nhưng trước đó từ 2016 mình đã nhận job ngoài song song với công việc fulltime giờ hành chính. Mỗi một công việc sẽ có cách tính lương linh hoạt khác nhau. Bạn nên tìm hiểu thị trường đang có mức phí trung bình như thế nào để đưa ra mức tiền công hợp lý. Mức tiền phải phù hợp với năng lực của bạn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp và đồng thời phù hợp với túi tiền khách hàng. Vì mình cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, nên mình xin chia sẻ cách tính tiền công theo từng hạng mục.

1. Khi mình làm Digital marketing (Chạy ads trên nền tảng Facebook và Google Ads)

Mình thường tính tiền công dựa trên ngân sách chạy ads khách hàng chi. Với ngân sách từ 40-100 triệu, chi phí sẽ từ 8-10% ngân sách chạy quảng cáo. Với ngân sách nhỏ (dưới 40 triệu) mình không tính theo % vì sẽ khá thiệt thòi cho mình, mà chỉ tính theo gói dịch vụ. Ví dụ: x triệu đồng sẽ bao gồm tiền công chạy quảng cáo và sản xuất nội dung chạy quảng cáo với số lượng 5-10 post. Với ngân sách lớn lên tới hàng trăm triệu một tháng thì lúc này tính 8-10% sẽ không có lợi cho khách hàng, lúc này mình sẽ làm hợp đồng lương cứng với những thỏa thuận khác sao cho đôi bên cùng win – win. Đấy các bạn thấy không, thực tế có tới hàng trăm tình huống khác nhau, hàng trăm ngàn khách hàng với tình hình tài chính và mức đầu tư MKT khác nhau, chúng ta phải dựa vào khả năng chi trả của doanh nghiệp, tổ chức để đưa ra một mức báo giá phù hợp.

2. Khi mình sản xuất video

  • Sản xuất TVC, viral video, video story telling,…

Công việc này đòi hỏi ý tưởng sáng tạo, thiết bị quay phim xịn xò, diễn viên và đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp nên mức giá thường cao. Mình thường tính trọn gói tất tần tật các hạng mục, báo giá với khách hàng dưới vai trò như một agency sản xuất video chuyên nghiệp. Lúc này mình cùng với team sẽ phân chia tiền công tùy theo hạng mục mà mình phụ trách.

Ví dụ mình lên ý tưởng, viết kịch bản và đạo diễn thì sẽ nhận phần tiền công tương ứng, ngoài ra mình sẽ làm thêm các đầu mục khác như chịu trách nhiệm chính khi liên hệ khách hàng, tìm diễn viên, địa điểm,…(gọi nôm na là coordinator – người điều phối) Mình sẽ tính phí theo các công việc mình phụ trách. Bạn mình người thì quay phim, người dựng phim, người make up, stylist cũng sẽ nhận phần tiền công tương ứng. Cụ thể chi phí cho việc sản xuất TVC, video quảng cáo sẽ khó mà nói rõ vì nó tùy thuộc vào ý tưởng kịch bản. Video hoành tráng, quay trong 2 ngày 1 đêm ắt sẽ khác với video quay chỉ nửa ngày, vì thế mình xin phép không chia sẻ sâu về báo giá chi tiết của hạng mục này.

  • Sản xuất video ngắn trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Reels, Youtube…):

Với hình thức này, mình thường tính tiền công dựa theo số lượng video cần sản xuất. Thời lượng video sẽ dao động từ 30s- 1 phút rưỡi. Công việc này thường làm số lượng video lớn, mang tính đồng bộ, sản xuất hàng loạt vì thế việc tính tiền khác hoàn toàn với sản xuất TVC.

Sản xuất video ngắn trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Reels, Youtube...)

Sau khi chốt concept video thì việc lên ý tưởng theo chủ đề có sẵn không quá phức tạp. Vì thế có thể nói, yếu tố quyết định chi phí sẽ là concept video. Ví dụ: Bạn quay chuyên gia chia sẻ sẽ khác hoàn toàn với việc phỏng vấn đường phố hoặc video thời trang, nhảy hiện đại,…mỗi một concept sẽ yêu cầu mức đầu tư khác nhau, thời gian sản xuất khác nhau. Mình sẽ dựa vào những yếu tố đó để quyết định tiền công phù hợp. Thường hạng mục này mình sẽ làm theo gói, vì không có khách hàng nào lại chỉ yêu cầu sản xuất 1 video. Mình thường làm ít nhất 10 – 15 video/tháng. Nhiều hơn thì 20-30 video/tháng.

3. Khi mình đóng vai trò copywriter

Mình từng làm seo và có nhiều bài viết lên top nhưng mình không khoái viết content dài hàng nghìn chữ, mất khá nhiều thời gian vì thế mình thường từ chối các job viết bài chuẩn seo, dù họ trả lương cũng khá hậu hĩnh. Mình tự đánh giá bản thân không có văn phong xuất chúng, chỉ được cái hiểu rõ về insight khách hàng và cách vận hành các nền tảng mạng xã hội. Vì vậy mình chọn hướng đi riêng là viết content quảng cáo trên mạng xã hội. Đồng thời mình thường kết hợp cùng với dịch vụ thiết kế ảnh quảng cáo (basic thôi chứ hem được như các designer chuyên nghiệp).

Với mảng này mình cũng tính tiền công theo gói với số lượng dao động từ 12-15 post/ tháng. Nhưng với nhiều khách hàng thân thuộc, ký hợp đồng lâu năm thì mình thường làm vượt số lượng này. Nếu nội dung chạy ads không hiệu quả thì phải đổi mới nội dung và test cho tới khi nào hiệu quả thì thôi. Vì thế số lượng tháng nào cũng vượt mức. Mình cũng được khách hàng đánh giá là việc trách nhiệm, không quá tính toán chi ly nên có nhiều khách hàng duy trì hợp đồng lên tới 2-3 năm. Công việc này tiền công tuy có “bèo bọt” hơn so với các job khác nhưng lại là nguồn thu nhập ổn định cho các freelancer như mình.

Để tính tiền công cho hạng mục này bạn cần tìm hiểu qua về giá thị trường hiện nay, với các agency lớn chi phí sản xuất một banner ảnh hay một bài viết Facebook (Không phải bài PR dài 2000 từ đâu nhé) giao động từ 300k – 500k (Tùy profile công ty nữa), có nhiều chỗ còn lên tới 700k/sản phẩm. Mình thường chọn mức giá tương đương hoặc thấp hơn một chút so với agency. Nhiều bạn sinh viên hoặc người mới đi làm thường chọn mức tiền công khá thấp. Mình từng đọc nhiều post tuyển dụng 20k/bài viết 500 từ. Mình hiểu các bạn muốn làm để có thêm kinh nghiệm, nhưng việc này vô hình chung làm nhiều doanh nghiệp đánh giá thấp giá trị của content writer. Tốt hơn hết hãy cố gắng nâng cao chất lượng bài viết và nâng giá trị bản thân lên, thay vì hạ thấp tiêu chuẩn để nhận mức thù lao ít ỏi.

4. Cách tính lương theo thời gian

Mình không áp dụng cách này nhiều, nhưng đây cũng là một cách tính lương phổ biến với nhiều bạn freelancer nên mạn phép chia sẻ luôn tại post này.

Ví dụ tiền lương cứng 1 tháng đi làm fulltime của bạn là 20 triệu đồng, tương ứng 22 ngày công, mỗi ngày công 8 giờ làm việc. Vậy mỗi giờ làm việc của bạn có giá: 20 triệu/22/8 = 114k vnđ/giờ.

Rất nhiều website tìm việc làm như upwork, freelancer.com cũng đang áp dụng cách tính lương theo giờ. Vì thế bạn có thể dựa vào mức tiền công một giờ làm việc để tính toán, nâng hạ sao cho phù hợp với tính chất công việc bạn đang apply. VD: Thiết kế 1 banner hết 3 tiếng ~ 300k.

Tất cả những gì mình chia sẻ phía trên đều mang tính chất tham khảo, có thể đúng với người này, sai với người kia. Các bạn nên áp dụng một cách linh hoạt tùy vào từng trường hợp. Chúc các bạn chốt deal thành công.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *