“Chân trong, chân ngoài” – Rồi bạn sẽ chẳng đi về đâu?

Hôm nọ đọc trên group Tâm sự con sen, có một bài viết rất thú vị và gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên cộng đồng. Tính mình thì không hay bình luận trên mạng xã hội, nhưng cũng có chút ý kiến muốn chia sẻ tại blog. Mọi người có thể đọc “cho vui”.

MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ LỰA CHỌN RIÊNG

Có thể nói mỗi người đều có lựa chọn riêng, họ hiểu bản thân họ, họ đưa ra lựa chọn phù hợp với mong muốn và đích đến của cá nhân họ. Chẳng ai có thể đưa ra lựa chọn hộ người khác.

Bản thân mình sau nhiều năm mông lung trong việc lựa chọn định hướng, cuối cùng mình cũng tìm ra con đường riêng phù hợp với cá tính và mong muốn của bản thân. Đó là làm freelancer, bởi mình yêu tự do, công việc này mang lại sự tự do cho mình nên mình chẳng ngại “nhặt nhạnh những đồng tiền lẻ” khi làm nhiều job một lúc. Có những job chưa đầy 2 triệu đồng mình vẫn vui vẻ làm và cống hiến hết mình.

Nhiều năm trước, khi vừa mới ra trường và bắt đầu công việc fulltime, mình vẫn xác định mục tiêu sẽ trở thành quản lý cấp cao trong tương lai, với hy vọng mức thu nhập sẽ tăng theo lên tới 8 con số. Sau 2-3 năm làm việc, vị trí cao nhất mà mình từng làm cũng chỉ là leader content – quản lý cấp trung lãnh đạo một nhóm nhỏ tầm 3-5 người. Mình thực sự cảm thấy tính cách không phù hợp với việc làm quản lý, mặc dù mình làm ở công ty nào cũng được cất nhắc cho vị trí này nhưng bản thân mình sau khi trải qua thấy không phù hợp, sự gò bó của môi trường công sở và cách mình vừa xoay sở với công việc chuyên môn rồi phải khéo léo trong các mối quan hệ giữa các phòng ban, đồng nghiệp, cấp dưới, khiến mình cảm thấy không còn sức cho sự sáng tạo hay những công việc chuyên môn mà mình yêu thích nữa.

Chân trong, chân ngoài - Rồi bạn sẽ chẳng đi về đâu

LIỆU BẠN CÓ THỰC SỰ PHÙ HỢP

Quay trở lại STT mình capture đầu bài, bạn nam nói không sai nhưng không phải ai cũng phù hợp và đủ năng lực để làm ở một vị trí chuyên viên với mức lương 20-30 triệu đồng. Cần phải biết rằng, mức lương trung bình cho các vị trí marketing (chạy ads, content marketing,…) tại các doanh nghiệp hiện nay không cao. Với nhân viên mới ra trường <1 năm kinh nghiệm rơi vào khoảng 7-9 triệu/tháng, nhân viên từ 2-3 năm kinh nghiệm dao động từ 10-12 triệu/tháng. Và chuyên viên (senior) kinh nghiệm 3-5 năm may ra mới đạt mức 13-15 triệu đồng/tháng. Thậm chí phần lớn các công ty thì ở vị trí leader lương cũng chỉ 15-18 triệu, thu nhập hơn 20-30 triệu thường sẽ bao gồm thưởng doanh số, KPI…mà mức thưởng thì không phải tháng nào cũng đạt. Nói thế để thấy rằng lí do vì sao người ta vẫn “chân trong, chân ngoài” bởi việc đó mới mang lại thu nhập 20-30 triệu/tháng mặc dù năng lực thực sự không thể so sánh bằng các vị trí quản lý cấp cao. Nó giống như câu nói “cần cù bù thông minh”. Tôi không có khả năng làm lãnh đạo, kiếm 30 triệu 1 tháng, tôi đành cày cuốc nhiều công việc một lúc để có mức thu nhập tương đương. Suy cho cùng, đó là lựa chọn cá nhân mỗi người, bản thân bạn cảm thấy hài lòng là được. Đừng nghe người ta nói này, nói nọ rồi lại tự trách bản thân đã đi sai đường.

HÃY CÂN BẰNG CHÂN TRONG, CHÂN NGOÀI

Nói qua nói lại thì cũng phải nhắc nhở một điều rằng, “chân trong, chân ngoài” vừa có ưu, vừa có nhược. Bạn nên cân bằng cả 2 mặt này. Mình cũng gặp nhiều bạn mê nhận job ngoài hơn cả công việc chính, kết quả là thường xuyên xin nghỉ, xin đi muộn, bỏ bê công việc fulltime. Điều này không chỉ có hại cho doanh nghiệp, mà bản thân bạn có thể mất việc, mất đi cái nhìn thiện cảm của đồng nghiệp, bởi làm việc thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của những người xung quanh nữa. Vì thế dù nhận job ngoài cũng nên hạn chế ảnh hưởng tới công việc chính.

Việc làm nhiều công việc một lúc cũng mang lại những trải nghiệm hết sức mới mẻ. Bạn được tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, bạn có cơ hội trải nghiệm marketing cho nhiều sản phẩm khác nhau. Bạn khéo léo hơn trong giao tiếp và xử lý tình huống. Đó là một ưu điểm tuyệt vời không thể bỏ qua.

Chân trong, chân ngoài - Rồi bạn sẽ chẳng đi về đâu

Tuy nhiên, nếu mình chạy theo đồng tiền mà quên mất việc cải thiện năng lực chuyên môn, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp thì không sớm thì muộn cũng bị đào thải khỏi thị trường tuyển dụng, và lúc này tới việc full-time hay part-time cũng không cần tới bạn nữa. Suy cho cùng dù làm ở đâu, vị trí nào, cũng đừng quên cập nhật, làm mới bản thân để trở thành một phiên bản tốt hơn bạn nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *