Những kỹ năng không thể thiếu khi bắt đầu làm freelancer

Mình đã từng so sánh làm freelancer giống như vận hành công ty TNHH một thành viên vậy. Khi mà bạn cung cấp dịch vụ không chỉ dừng ở việc viết một bài viết, thiết kế một bức ảnh hay một trang landing page mà bạn phải chủ động lo liệu mọi thứ từ tìm kiếm khách hàng, làm hợp đồng, nghiệm thu và tự tạo động lực, thúc ép bản thân chứ chẳng ai có thể theo sau bạn để nhắc nhở cả. Vậy để bắt đầu trở thành một freelancer hãy trang bị ngay cho mình những kỹ năng sau đây.

Những kỹ năng không thể thiếu khi bắt đầu làm freelancer

1. Kỹ năng chuyên môn

Kỹ năng mình xếp số 1 chính là kỹ năng chuyên môn. Nếu bạn là một copywriter hãy trau dồi nghề viết của mình, nếu là một designer hãy thành thạo các công cụ thiết kế, nếu là một Seoer hãy nắm bắt kịp thời các cập nhật mới nhất về thuật toán… Nói chung mỗi một nghề đều yêu cầu kỹ năng chuyên môn riêng, ít nhất bạn phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản, chưa nói tới mức độ sáng tạo hay đột phá trong công việc. Trước tiên hãy làm đúng đã.

Bản thân mình khi làm việc ở vai trò content writer, ngoài việc trau dồi khả năng viết lách, mình cũng tự học hỏi những kỹ năng liên quan như thiết kế cơ bản, làm video cơ bản để phục vụ cho công việc. Bên cạnh đó, những kỹ năng phân tích chỉ số, đọc hiểu các công cụ đo lường cũng khiến mình hiểu sâu hơn về insight người dùng, cách họ reaction với content mình tạo ra.

2. Quản lý thời gian

Nói freelancer sướng lắm, tự do tự tại cũng không sai đâu. Thời gian đầu thay đổi múi giờ mình cũng khá “buông lỏng” bản thân. Thay vì những lịch trình cố định trước đây như: 7h dậy đi làm, 12h ăn trưa, 18h cắp cặp về nhà, thì giờ đây khung thời gian đảo lộn. Hôm thì 9h dậy, 2h ăn trưa, 8h tối kết thúc công việc và ăn tối lúc 9h đêm.

Có những hôm “tụt mood” chẳng muốn làm gì, cày phim từ sáng tới tối. Rồi sang hôm sau lại cày deadline tới tối khuya quên ăn. Lúc đấy lại bảo freelancer bận làm quên ăn, quên uống.

Mình nghĩ ai làm freelancer cũng từng trải qua thời điểm như vậy. Sự tự do khiến mình buông lỏng bản thân hơn. Đó là lúc bạn cần trang bị cho mình kỹ năng quản lý thời gian. Chưa kể khi bạn có nhiều job, làm việc chồng chéo nhau, nếu không quản lý thời gian tốt bạn sẽ khó xử lý được hết công việc trong ngày.

Để quản lý thời gian mình thường làm to do list mỗi ngày, viết ra những đầu mục công việc với thời gian cần hoàn thành và xếp theo mức độ ưu tiên. Việc này cực kỳ giúp ích để mình không bị bỏ lỡ bất cứ đầu việc nào và cũng tránh tình trạng dồn hết thời gian vào việc này rồi quên mất việc kia.

3. Quản lý tài chính

Nghe thì khá to tát đấy, mà nó cũng quan trọng thật mà. Thiếu kỹ năng này bạn sẽ hiểu cảnh làm nhiều mà không thấy tiền đâu là có thật. Kỹ năng này bao gồm nhiều vấn đề từ việc quản lý nguồn thu nhập, tính toán tiền công cho từng đầu mục công việc, làm hợp đồng, tính toán về thuế và cả nguồn quỹ dự phòng trong những “dịp đặc biệt”.

  • Quản lý thu – chi: Mình thường lập bảng thu nhập, chi tiêu hàng tháng để tính toán xem thu nhập trung bình một tháng tối thiểu cần đạt bao nhiêu, nguồn thu chính từ đâu, những khoản tiền nào là chi phí cố định, cái nào là chi phí phát sinh. Cái này từ lúc lập gia đình mình đã làm “thủ quỹ” nên khá quen với việc ghi chép số má hàng ngày rồi. Tháng nào thu nhập dự kiến dưới trung bình là lại phải tìm job mới ngay, chứ cứ đủng đỉnh chờ tiền tự vào túi thì còn lâu lắm.
  • Tính tiền công: Yếu tố quan trọng thứ 2 là cách tính toán tiền công cho từng đầu mục công việc hoặc chốt giá từng hợp đồng. Yếu tố này khá dài dòng và cũng rất quan trọng mình sẽ chia sẻ chi tiết tại bài: Cách tính lương khi làm CTV hoặc freelancer.
  • Làm hợp đồng, quyết toán thuế: Một yếu tố mình rất ghét khi nghĩ tới là quyết toán thuế thu nhập cá nhân, mấy khoản liên quan tới thủ tục hành chính là mình đều không thích và cũng không hiểu nhiều lắm. Dù đọc hết các quy định rồi những vẫn phải nhờ mấy anh,chị người quen bên kế toán hoặc hành chính nhân sự xử lý hộ. Cái này mình biết nhiều bạn bỏ qua coi như không biết, tuy nhiên hãy lưu ý trong hợp đồng để tránh thiệt thòi.

Khi ký hợp đồng mình thường ghi chú thêm một dòng: “Chi phí trên chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân, bên A (công ty mình ký hợp đồng) sẽ chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân (nếu có)”. Khi đó, khoản tiền mình nhận được sẽ là tiền công sau khi khấu trừ thuế. Nếu bạn không nhờ tổ chức hoặc doanh nghiệp nộp thuế thì bạn sẽ phải tự kê khai và tính toán số tiền cần nạp. Ngay cả khi công ty đã đóng thuế 10% bạn vẫn cần quyết toán thuế cuối năm để tính toán xem mình nộp thiếu hay thừa. Nhiều người quên hẳn việc này, hậu quả là họ sẽ phải chịu phạt tiền, cảnh cáo, hoặc gặp những rủi ro pháp lý liên quan. Hãy tìm hiểu kỹ hơn nhé, vì mình cũng không hiểu quá sâu để tư vấn chi tiết tại bài viết này.

  • Quỹ dự phòng: Hiểu một cách nôm na bạn cần có tiết kiệm để dự phòng trong những trường hợp “đặc biệt”. Kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu như thời còn làm fulltime thì e là bạn sẽ khó lòng trụ nổi khi làm freelancer. Hồi giữa năm 2021, dịch bùng ở Hà Nội, mình mất toàn bộ số job hiện có, các cửa hàng đóng tạm thời, công ty cắt giảm nhân sự, chi phí, giảm giờ làm việc nên các hợp đồng của freelancer sẽ bị cắt đầu tiên. Thu nhập freelancer vốn luôn thiếu ổn định, chứ không như fulltime, nên đừng quên xây dựng quỹ dự phòng ngay từ bây giờ nhé.

4. Marketing – Làm thương hiệu cá nhân

Freelancer có nhiều cách tìm kiếm khách hàng. Theo cách bài bản chuyên nghiệp thì bạn sẽ cần làm thương hiệu cá nhân, có phong cách riêng, tạo được ấn tượng với khách hàng, có kênh truyền thông riêng. Theo cách “bình dân” đa số mọi người áp dụng thì tìm kiếm khách hàng trên các trang tìm việc, hội nhóm về chuyên môn. Tuy nhiên dù dùng cách gì đi chăng nữa, bạn cũng nên chuẩn bị cho mình những hành trang cơ bản. Ví dụ như portfolio, CV để giới thiệu bản thân và những dự án đã thực hiện.

Những gì thể hiện trong portfolio, CV hay trang mạng xã hội cũng chính là cách bạn marketing dịch vụ của mình tới khách hàng tiềm năng.

Hiện tại các khách hàng của mình chủ yếu tới từ nguồn giới thiệu hoặc công ty cũ và khá ổn định vì thế mình không đầu tư quá nhiều về việc làm thương hiệu cá nhân. Blog phamhoangyen.com này cũng là dự án đầu tay của mình trong việc triển khai marketing chuyên nghiệp hơn. Bởi sau khi quay lại công việc sau 6 tháng nghỉ thai sản, mình muốn có những bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp freelancer của mình.

5. Kỹ năng đàm phán, giao tiếp với khách hàng

Đứng trước sự canh tranh khốc liệt như hiện nay, việc sở hữu kỹ năng giao tiếp, đàm phán với khách hàng sẽ là thế mạnh giúp bạn chốt deal thành công. Trước đây mình không cho rằng mình giỏi giao tiếp hay khéo léo trong ứng xử. Nhưng khi làm freelancer, phải gặp khách hàng, báo giá, lên ý tưởng và thuyết phục khách ký hợp đồng, mình tự nhận ra nhiều khi “sự chân thành, tận tâm và chuyên nghiệp” cũng đã giúp mình rất nhiều trong việc lấy niềm tin từ khách hàng.

Quan trọng hơn cả, bạn cần hiểu rõ về chuyên môn để tư vấn và đưa ra phương án hợp lý cho khách hàng, tránh chỉ chạy theo lợi nhuận của bản thân. Khách hàng sẽ đánh giá cao những tư vấn có lợi cho doanh nghiệp của họ. Đặc biệt biết “cứng”, “mềm” đúng lúc. Có khi cần sự mềm dẻo, chiều khách. Nhưng đôi lúc cũng cần “cứng”, kiên quyết một chút để không quá thiệt thòi trong quá trình làm việc. Win-Win đôi bên cùng có lợi mới là điều kiện tiên quyết để có một giao kèo thành công.

6. Kỹ năng tự học

Kỹ năng này dù làm freelancer hay làm fulltime bạn cũng cần bổ sung vào check list của mình. Bởi xã hội ngày càng thay đổi chóng mặt, lớp nhân sự trẻ càng về sau càng giỏi và hiểu biết nhiều. Một nhân sự già nua, không học hỏi cập nhật kiến thức mới sẽ sớm bị đào thải khỏi thị trường tuyển dụng.

kỹ năng tự học khi làm freelancer

Làm tự do, bạn chẳng có sếp ở bên cạnh chỉ bảo, cũng chẳng có đồng nghiệp để hỏi han về chuyên môn. Lúc này hãy phát huy “kỹ năng tự học”. Kiến thức và nguồn tài liệu vô hạn trên Internet sẽ giúp bạn. Tất nhiên, hãy biết chọn lọc nguồn tài liệu uy tín để tránh hiểu sai kiến thức. Cũng đừng quên follow và kết bạn để học hỏi thêm từ những người giỏi trong cùng lĩnh vực. Đây cũng là một cách học rất nhanh, hiệu quả.

7. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc

Bài dài quá nhỉ, nhưng không thể không nhắc tới kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Việc làm ở nhà lâu ngày mình ít giao tiếp xã hội hơn nhiều so với ngày trước. Mình không còn bị stress vì những xung đột chốn công sở nhưng thi thoảng “rảnh quá” đâm ra nghĩ ngợi nhiều hơn. Mình stress vì những vấn đề hoàn toàn khác.

Peer pressure – Áp lực đồng trang lứa, khả năng tập trung, khả năng tạo động lực, kiểm soát sự mất cân bằng trong cuộc sống và công việc, bla bla… Với một người làm việc thiên về cảm xúc như mình, “tụt mood” là mình chẳng còn thiết làm gì nữa. Vì thế mình rất sợ những lúc “rảnh” quá. Mình thích bận rộn, vùi đầu vào công việc. Mình chẳng còn thời gian nghĩ ngợi vẩn vơ nữa.

Kỹ năng này mình thực sự chưa làm tốt hoàn toàn, nhưng đã và đang cố gắng để thay đổi, kiểm soát cảm xúc bản thân tốt hơn.

Hy vọng những chia sẻ phía trên sẽ giá trị với bạn, một người sẽ trở thành freelancer trong tương lai hoặc đang bắt đầu với công việc freelancer. Nhiều lúc mình cũng sợ trải nghiệm của mình chưa đủ sâu, đủ nhiều để chia sẻ với người khác, nhưng cứ viết ra đã, ít nhất mình cũng dám chia sẻ rồi.

Cố lên Bé Yến!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *