“Marketing full stack” tốt hay xấu?

Trên các group chuyên môn về marketing dạo gần đây, mọi người thường thảo luận về vấn đề marketing full stack và nổ ra khá nhiều tranh cãi xoay quanh chủ đề này. Các công ty tuyển dụng nhân sự thì đưa ra nhiều yêu cầu vô lý, các bạn trẻ mới ra trường thì đồng ý vào làm nhưng lại than vãn, kêu ca phải ôm đồm quá nhiều.

Dưới bình luận mỗi bài viết lúc nào cũng có khen có chê, nhiều ý kiến trái chiều nhau. Mình cũng lướt hết từng cái, rồi tự nhớ lại khoảng thời gian mới ra trường cũng làm MKT Full stack như vậy. Thế là tranh thủ rảnh rỗi cũng muốn chia sẻ một chút về việc “Nên hay không nên làm marketing full stack”.

Đầu tiên, chúng ta sẽ đi từ khái niệm “Marketing full stack” là gì? Hiểu nôm na thì một nhân sự marketing phải có nhiều kỹ năng ở nhiều lĩnh vực, phải bao quát toàn bộ các hoạt động. Ví dụ vừa viết lách, vừa thiết kế hình ảnh, vừa chạy quảng cáo lại phải biết quay dựng video…

Đấy chỉ là mới một số stack cơ bản trong MKT thôi, nếu bạn làm ở công ty nhỏ có thể ngoài những stack trên bạn còn phải take care luôn cả event, in ấn, ngoại giao, PR báo chí. Tin mình đi, đó là việc hoàn toàn có thật vì mình đã trải qua rồi.

Cái đáng bàn ở đây là những bạn sinh viên mới ra trường liệu có nên nhận công việc “marketing full stack” để rồi suốt ngày than thở công việc ngập mặt hay không? Chà, có lẽ phần lớn mọi người sẽ lựa chọn không, bởi trong tất cả các stack bạn làm có thể bạn chỉ yêu thích 1-2 đầu việc, còn lại là những việc vặt không đâu vô cùng tốn thời gian và công sức. Ai mà chẳng muốn mang danh “Specialist” – Dành thời gian chuyên sâu vào một công việc nào đó. Nhưng liệu nó có thực sự phù hợp với bạn, bởi một khi không thể xuất chúng được, không thể trở thành chuyên gia được, việc làm làng nhàng mãi một việc, mãi chỉ biết 1 kỹ năng cũng không thể khiến bạn tiến xa trong lĩnh vực này được.

Quay lại câu chuyện của mình, hồi mới ra trường mình cũng apply vào một công ty bán thực phẩm chức năng (Thực ra người ta hay gọi là Đông Y đó). Công ty chỉ có 7 người, trong đó có 2 nhân sự MKT. Vì là công ty nhỏ, lại bán hàng đông y nên team MKT của mình ngoài chạy ads, viết content quảng cáo, thiết kế hình ảnh, edit video, viết báo (là những stack cơ bản) thì còn kiêm luôn thiết kế bao bì sản phẩm, dán nhãn, dập date, đóng hàng, chuyển phát nhanh. Thi thoảng kiêm luôn quét nhà, rửa cốc chén, đun nước (tại hồi đó ma mới nên bị bắt nạt). 3 Tháng đầu mới đi làm đêm nào cũng ôm lap tới 12h để làm việc, ngủ thì không ngon giấc, đi làm thì bị mắng tới bật khóc. Thế mà mình vẫn bám trụ lại, qua 3 tháng đầu mình dần gần gũi với mọi người hơn, quen việc hơn nên cũng đỡ shock. Việc làm full stack lại tạo cơ hội cho mình trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Có cái khiến mình hứng thú vô cùng, cũng có cái khiến mình ngán tận cổ. Nhưng mình biết với một đứa mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng chẳng có ai định hướng công việc cho thì cứ ném ở đâu cố sống tốt ở đấy đã.

Để đưa ra lời khuyên thì thực lòng mà nói mình không nghĩ mọi thứ đều rạch ròi tốt xấu, mà nó tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người.

Đứng ở vị trí nhân sự, nếu bạn không thích việc làm full stack bạn hoàn toàn có thể xin nghỉ việc, tuy nhiên trước khi vì chán nản mà xin nghỉ hãy thử tự đặt ra câu hỏi bạn muốn làm việc gì, bạn muốn trở thành ai trong tương lai. Hãy lập một kế hoạch rõ ràng về những bước đi sắp tới. Tránh việc nghỉ chỗ này lại xin vào một chỗ cũng tương tự như thế thì bạn cũng chỉ mất thời gian hơn mà thôi.

Còn nếu hiện tại bạn chưa đủ năng lực để tìm kiếm một công việc tốt hơn thì hãy cứ vui vẻ làm việc với một tâm thế luôn sẵn sàng học hỏi kiến thức mới. Mỗi một công việc các bạn làm đều mang đến cho bạn một trải nghiệm mới, một kinh nghiệm quý báu cho chặng đường sau này. Đừng vì chán nản với công ty mà làm việc một cách hời hợt, như vậy chỉ khiến cả 2 bên đều mất thời gian mà chẳng mang lại lợi ích gì cả. Người ta nói “cách chúng ta làm một việc là cách chúng ta làm mọi việc”. Nếu làm việc gì cũng hời hợt thì mãi mãi bạn cũng không khá lên được.

Còn đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, việc thiếu nhân sự, thiếu ngân sách nên buộc phải “ép” nhân viên ôm đồm nhiều việc là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên nếu lãnh đạo hiểu rõ vấn đề mà nhân viên đang gặp phải, hiểu rằng đó không phải chuyên môn của họ. Đừng chê thiết kế của một content nghiệp dư, đừng phàn nàn về những bức ảnh, video do designer kiêm nhiệm. Đừng bảo digital vừa chạy ads vừa code web. Thay vì chê bai với thái độ tiêu cực, thiếu tôn trọng hãy cùng họ đưa ra góp ý để hoàn thiện sản phẩm, tạo điều kiện và khuyến khích họ không ngừng sáng tạo, đổi mới. Nếu thiếu đi sự tôn trọng thì công ty cũng khó lòng tìm được một nhân sự gắn bó lâu dài. Còn bài toán chuyên môn hóa từng vị trí thì xin phép chưa bàn tới ở đây. Tất nhiên một phòng MKT có đủ nhân sự để chuyên môn hóa cho từng vị trí sẽ tốt hơn là 1 người làm full stack, nhưng không phải công ty nào cũng có đủ điều kiện để làm việc đó.

Túm lại là gì nhỉ? Lựa chọn full stack hay specialist là ở bạn. Nhưng dù bạn lựa chọn điều gì hãy cứ hết mình vì công việc, làm với một tâm thế cố gắng học hỏi và làm tốt nhất có thể nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *