“Những người hay nhảy việc có khả năng thích nghi kém với môi trường. Những người hay nhảy việc thường có tính cả thèm chóng chán. Có lẽ bản thân họ chẳng biết mình muốn gì, vì thế mới nhảy hết từ công ty này sang công ty khác.”
Đây là những nhận định thường thấy của mọi người xung quanh với những người hay nhảy việc. Bản thân là một người cũng từng nhảy nhiều việc mình cũng hiểu nhận định trên cũng có ý đúng. Nhưng đừng vì thế mà bạn chán nản bản thân và cho rằng mình là kẻ vô dụng, bất tài, không còn thuốc chữa. Cũng đừng vì chứng minh điều ngược lại mà bạn phải chịu đựng, bò ép bản thân phải gắn bó lâu dài với một môi trường toxic hay một môi trường công ty không hề phù hợp với bản thân bạn.
Bạn học được gì sau mỗi lần nhảy việc?
Mỗi lần nhảy việc bạn có học được điều gì không? Bạn có rút ra kinh nghiệm gì để lần tới không vấp phải những sai lầm đó nữa? Nếu bạn luôn tiến về phía trước thì tôi cho rằng nhảy việc cũng chẳng sao cả. (Tất nhiên nhận định này có phần hơi vô trách nhiệm với doanh nghiệp, bởi bản thân doanh nghiệp luôn muốn tìm kiếm nhân sự có khả năng gắn bó lâu dài.) Nhưng đứng ở góc độ cá nhân, nếu mình không còn phù hợp với môi trường, đầu óc lúc nào cũng muốn nhảy việc thì có ở lại làm cũng khó lòng cống hiến hết mình được. Nếu chỉ làm việc hời hợt cho có thì 2 bên từ bỏ nhau sớm còn tốt hơn.
Mình cũng từng nhảy việc rất nhiều.
Vào thời điểm mới ra trường mình cũng làm ở các công ty với thời gian khá ngắn, chỉ khoảng 1 năm. Có thời điểm 1 năm mình còn nhảy tới 3 công ty lận. Giai đoạn đó mình cũng khá stress vì mỗi lần nhảy việc là lại một lần làm quen với môi trường mới, đồng nghiệp mới, văn hóa công ty mới. Nhảy việc cũng chẳng sung sướng gì đâu các bạn. Thực sự lúc đó cảm thấy cuộc đời mình mông lung vô cùng, không biết đi đâu, về đâu. Lúc mình muốn làm công ty lớn để có chế độ đãi ngộ tốt, lúc lại muốn làm công ty nhỏ để không gò bó về không gian, thời gian với những quy trình nghiêm ngặt. Tuổi trẻ mà, sau bao nhiêu lần nhảy việc thì mình cũng rút ra kha khá kinh nghiệm, và quan trọng là hiểu rõ bản thân mình thực sự muốn gì và phù hợp với môi trường như thế nào.
Hãy luôn bám vào kim chỉ nam của mình.
Kim chỉ nam của mình vẫn luôn là “Làm điều mình yêu thích, yêu thích điều mình làm”. Vì thế với những công việc mà mình bị ép phải làm những thứ mình không thích thì cũng rất khó đi lâu dài. Mình muốn mỗi ngày đi làm đều cảm thấy vui vẻ, hào hứng, tràn đầy những ý tưởng chứ chẳng ai lại muốn một môi trường làm việc căng thẳng, những tiếng la mắng chửi rủa thường trực cả. Nói tới đây chắc mọi người nghĩ “ôi môi trường lí tưởng thế ai mà chẳng thích, nhưng đời không như mơ, có bao nhiêu người làm được điều đó” và thế là họ chỉ nghĩ trong đầu mà chẳng dám thực hiện một hành động gì cả.
Người ta sẽ hối tiếc về những điều chưa làm nhiều hơn là những điều đã làm.
Tới giờ khi nhìn lại những lần nhảy việc, mình chẳng bao giờ hối hận cả. Luôn có những lí do chính đáng (hoặc do mình tin là nó chính đáng). Quan trọng là mình luôn tiến về phía trước và kết quả cho tới hiện tại khi trở thành một freelancer mình hoàn toàn hài lòng với cuộc sống. Một mức thu nhập vừa đủ, một cuộc sống tự do, tự tại. Mình có quyền lựa chọn làm những điều mình thích, từ chối làm những điều mình không thích. Và mình luôn tự hào vì mình đã nỗ lực để hành động để thay đổi thực tại, thay vì chỉ ngồi chán nản, rên rỉ, muốn bỏ cuộc nhưng lại không chịu hành động gì cả.
Các bạn đừng lãng phí thanh xuân nữa, nếu chán nản môi trường hiện tại, một là bạn hãy chọn nghỉ việc, nếu không hãy thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường đó. Tìm niềm yêu thích trong công việc. Đừng ngồi yên một chỗ và than vãn vì nó chẳng có ích gì đâu.