Cái nghề làm chữ đôi khi nó bay bổng lắm. Làm hình, làm chữ cứ như một thế giới đầy màu sắc và những tưởng tượng phong phú. Trái ngược với thế giới của những con số, dân digital thì suốt ngày số má và những công cụ kỹ thuật có đôi phần “khô khan”. Vậy thực sự những người làm nội dung có cần biết về digital marketing hay không?
Bài viết này sẽ chia sẻ về góc nhìn của một content marketing chân trong, chân ngoài làm digital. Tui đang đứng một chân ở thế giới đầy màu sắc, và chân còn lại đứng ở thế giới khô khan toàn số má.
Tác dụng của việc nắm rõ những con số
1. Hiểu rõ cách người xem phản ứng như thế nào với nội dung của bạn
Ưu điểm đầu tiên của việc nắm rõ các con số là hiểu được cách người xem, khách hàng phản ứng với nội dung mình làm ra. Dù trên mạng xã hội hay website thì đều có những thông số cơ bản mà bất kỳ nhân viên content nào cũng cần biết như: lượt tiếp cận, tỷ lệ tương tác, lượt xem video,… Sâu hơn thì có các thông số về ads như CPM, CTR, CPC,… Tất cả những con số đều biết nói, chúng cho biết nội dung bạn làm ra có được khách hàng đón nhận hay không, họ thích thú tương tác (thả tim, bình luận, chia sẻ, nhắn tin…) hay họ hờ hững bỏ qua sau 2-3 giây đầu nhìn thấy bài viết.
Về phần website, các chỉ số phức tạp hơn và cũng nhiều công cụ đo lường hơn. Thật khó trách nếu bạn viết bài trên website nhưng chẳng biết đọc thông số trên Google Analytics (GA) hay Search Console,… Bởi chúng cũng khá phức tạp với hàng loạt chỉ số rây mơ, rễ má với nhau như mạng nhện chằng chịt. Tuy nhiên một khi hiểu được các con số này, nắm được cách xem chỉ số trên các công cụ thì thậm chí một thế giới đầy màu sắc đang mở ra với vô vàn ý tưởng thú vị giúp bạn tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả.
Hồi còn viết content SEO, mình cũng được sếp training dùng Google Search Console để nghiên cứu các từ khóa lên top của web, bài nào đang có traffic tự nhiên tốt, traffic đó đến từ những truy vấn nào. Mỗi truy vấn có thứ hạng và CTR khác nhau, từ đó chúng ta có thể cải thiện nội dung bài viết để tăng thứ hạng và tăng lưu lượng truy cập vào bài viết.
Đặc biệt GA cũng giúp mình rất nhiều trong việc đo lường chuyển đổi của bài viết, thời gian lưu lại trang của khách hàng là bao nhiêu lâu (times on site), tỷ lệ quay lại website hay tỷ lệ thoát trang của khách hàng. (Còn rất nhiều chỉ số nữa mà mình chưa thể liệt kê hết. Mình dùng các thuật ngữ tiếng Việt, để các bạn chưa có kinh nghiệm gì đọc cũng có thể hiểu được ý nghĩa của từng chỉ số. Khi viết bài, nếu chúng ta nắm được người dùng thoát trang sau bao nhiêu giây, hay người dùng thực hiện hành động gọi điện thoại, nhắn tin sau khi đọc được bài viết của chúng ta, đó chẳng phải tuyệt vời hay sao.
Nếu bạn chỉ đang dừng ở việc viết bài mà không biết được hiệu quả bài viết đó mang lại như thế nào, thì hãy tìm hiểu các công cụ phía trên ngay nhé. Đừng ngần ngại nhờ đồng nghiệp, sếp training về các công cụ này, chẳng ai từ chối một người cầu tiến, ham học hỏi cả.
2. Tương tác tốt hơn với đồng nghiệp
Lợi ích thứ 2 có thể kể tới của việc nắm rõ các con số đó là bạn hiểu đồng nghiệp đang nói gì, làm gì, cần những gì. Trong mỗi cuộc họp, khi sếp hỏi về các con số, các chị em content lại nghe ù ù cạc cạc không hiểu các bạn digital nói gì, điều này chắc chắn đang xảy ra ở nhiều công ty. Khi nắm được các con số, bạn hoàn toàn hiểu vấn đề đồng nghiệp đang gặp phải và thậm chí có thể chủ động đề xuất ý kiến, cải thiện các con số này.
Tất nhiên các bạn nên hiểu các con số một cách chính xác, tránh việc hiểu nông, rồi lại phán bừa thì còn gây mất thiện cảm hơn. Nói chung là đừng ngại hỏi han đồng nghiệp để được mở rộng thêm kiến thức, phối hợp với nhau tốt hơn.
3. Cơ hội thăng tiến tốt hơn
Giữa một nhân sự viết content rất tốt nhưng không hiểu gì về digital, và một nhân sự vừa tốt cả content vừa nắm được digital thì ai sẽ được đánh giá cao hơn nhỉ? Chắc bản thân bạn đã có câu trả lời. Việc nắm rõ cả content và các công cụ digital cùng lúc giúp bạn nắm được bức tranh tổng quát hơn, từ đó phục vụ cho việc lên chiến lược marketing và phân bổ ngân sách hiệu quả. Một trong những công việc mà một quản lý cấp cao cần hoàn thành.
Nhưng đừng quên ngoài chuyên môn thì để lên được quản lý bạn cũng cần hiểu rõ về cách dùng người, cách quản lý nhân sự. Đó mới là điều khiến các nhà lãnh đạo đau đầu.
Sau bài viết này hy vọng các bạn sẽ bắt tay vào tìm hiểu các chỉ số cơ bản để phân tích nội dung nhé. Biết đâu lại được thăng chức trong tương lai không xa.^^