Rời xa im lặng để đối diện với những quan điểm trái chiều, những phản biện là một lựa chọn khá thú vị và thử thách mặc dù nhiều lúc mình cảm thấy có chút căng thẳng. Nhưng cuộc sống có nút thăng, nút trầm mà nhỉ, những lựa chọn rủi ro cũng khiến mình cảm thấy cuộc sống đa dạng sắc màu hơn. Mình sẽ kể cho bạn về một mẩu chuyện nhỏ trên hành trình trưởng thành của mình nhé.
Ngày trước mình là 1 cô gái năng nổ, hoạt bát không ngại giao tiếp, không ngại tranh luận. Thậm chí đi làm rất hay “combat” với sếp và đồng nghiệp. Một ngày mình có thể đăng hàng chục status trên Facebook cá nhân, mình cứ làm mà ít nghĩ suy nghĩ sâu xa, vì mình cho rằng việc lựa chọn sống như vậy rất thoải mái.
Từ ngày làm freelancer mình ít có cơ hội giao tiếp mặt đối mặt, cũng một phần vì ngại các xung đột trong môi trường công sở thành ra mình dần dần bị bật chế độ yên lặng trong nhiều vấn đề gặp phải. Tất nhiên trong công việc khi bảo vệ quyền lợi bản thân và của đội nhóm mình vẫn sẽ lên tiếng nhưng với các tranh luận ngoài luồng không có ích cho mình thì mình cứ ậm ừ cho xong.
Ưu điểm của việc im lặng là mình có nhiều thời gian để suy nghĩ thấu đáo hơn. Thế nhưng việc “keep silent” trong thời gian quá dài cũng khiến mình dần mất đi khả năng giao tiếp, khả năng tranh luận, phản biện. Mình quyết định phải thay đổi thôi!
Vì một số vấn đề sức khỏe và bận chăm con nhỏ nên mình vẫn hạn chế ra ngoài hơn, tuy nhiên mình đã thay đổi bằng việc thường xuyên chia sẻ những suy nghĩ của mình qua blog cá nhân và các group về công việc nơi có cộng đồng những người làm Marketing giống như mình đang tương tác hằng ngày. Mỗi một lần đăng bài mình đều nhận được nhiều tương tác, có bình luận cùng chiều cũng có nhiều bình luận trái chiều. Nếu là trước đây mình sẽ chọn im lặng và bỏ qua để tránh những tranh chấp không đáng có, đặc biệt với những bình luận tiêu cực không có tính đóng góp thì cá nhân mình càng không thích dây vào vì mất thời gian vô ích.
Nhưng hiện tại mình tự nhận thấy mình đã có chút thay đổi tích cực hơn. Khi nhận được bình luận đả kích một cách vô lý, ban đầu (giống như bình thường) mình khá tức giận, trong người rất nôn nao khó chịu. Nếu mình phản biện ngay lập tức có thể mình sẽ không kiềm chế được mà thốt ra những điều không phù hợp. Hồi sinh viên mỗi lần phản bác lại những bình luận trái chiều mình nhận thấy cuộc tranh luận càng đi xa hơn, sự bực mình chỉ nhân đôi, nhân ba chứ không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Lần này, mình đã dừng lại, dành thời gian suy nghĩ một cách thấu đáo rồi trả lời bình luận khiếm nhã một cách rất lịch sự. Mình nghĩ rằng việc nhận được một bình luận khiếm nhã hoặc tiêu cực trên mạng xã hội là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt khi chúng ta tự do thể hiện quan điểm cá nhân, người khác có quyền phản bác lại nó, cái cách chúng ta phản ứng lại nó sẽ thể hiện chúng ta là con người như thế nào. Khi mình thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành động, mình nhận thấy bản thân đã không còn bực tức nữa, tâm tư nhẹ nhàng không hề nặng nề, hơn thua, được mất.
Việc làm freelancer quá lâu khiến mình không có nhiều cơ hội để bày tỏ, thể hiện quan điểm cá nhân trước đám đông như trước (Ngày trước mình rất tích cực tham gia hội thảo, các lớp học và luôn năng nổ đóng góp ý kiến). Hiện tại khi chia sẻ quan điểm cá nhân lên các group và nhận lại bình luận trái chiều cũng giúp mình nhìn ra nhiều điểm yếu trong lập luận, trong suy nghĩ của bản thân, từ đó có một góc nhìn mới trong vấn đề mình thảo luận. Việc này mình đánh giá rất hữu ích với một content creator.
Viết mà không ai đọc, không ai góp ý mới là khổ. Giống như ngu dốt mà chẳng có ai chỉ dạy. Viết có dở chút nhưng dám viết là tốt rồi đúng không? Nếu sợ rủi ro mà không dám hành động thì chúng ta sẽ đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro hơn đấy, vì thế đừng sợ, hãy cứ hành động thôi.